Khẩu chiến chính trị Đại Cách mạng Văn hóa vô sản

Cuối năm 1959, nhà sử học và cũng là Phó Thị trưởng Bắc Kinh Ngô Hàm xuất bản phiên bản đầu tiên của bộ kịch lịch sử tựa đề Hải Thụy bãi quan (海瑞罢官). Trong vở kịch, một viên quan trung thành tên Hải Thụy bị sa thải bởi một tên hoàng đế biến chất. Trong khi vở kịch nhận được sự ca ngợi từ phía Mao thì năm 1965 vợ Mao Trạch Đông là Giang Thanh và đồng minh của bà ta là Diêu Văn Nguyên, biên tập viên cho một tờ báo ở Thượng Hải, đã viết bài báo công kích vở kịch. Diêu gọi vở kịch là "một thứ cỏ độc" hãm hại Mao với ngụ ý Mao như một tên hoàng đế suy đồi và Bành Đức Hoài như một công chức trung thực.

Bài báo Thượng Hải đó lan truyền khắp nước và nhiều tờ nhật báo hàng đầu khác đã xin đăng lại. Thị trưởng Bắc Kinh là Bành Chân, một người ủng hộ Ngô Hàm, đã thành lập một ủy ban nghiên cứu bài báo và công bố rằng những lời chỉ trích của Diêu Văn Nguyên là không chính đáng. Ngày 12 tháng 2 năm 1966, Ủy ban (gọi là "Nhóm Năm tên chịu trách nhiệm về cuộc Đại Cách mạng văn hóa") đã công bố một báo cáo mà về sau được biết đến với tên "Đại cương tháng Hai" (二月提纲) nhằm tìm cách giới hạn tranh luận về nhân vật Hải Thụy trong khuôn khổ văn chương và lôi kéo sự chú ý của dư luận ra khỏi các hàm ý chính trị.

Tuy nhiên, Giang ThanhDiêu Văn Nguyên tiếp tục tố cáo cả Ngô HàmBành Chân trên báo chí. Ngày 16 tháng 5, dưới sự chỉ đạo của Mao, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành một thông báo chính thức về cuộc Đại Cách mạng văn hóa. Trong tài liệu này, Bành Chân bị chỉ trích gay gắt và nhóm "Năm tên" bị giải tán và được thay thế bởi Nhóm Cách mạng văn hóa. Ngày 18 tháng 5, Lâm Bưu tuyên bố trong một bài phát biểu rằng "Chủ tịch Mao là một thiên tài, và mọi thứ Chủ tịch nói đều thực sự tuyệt vời; những lời nói của Chủ tịch sẽ tạo ra ý nghĩa cuộc sống của hàng trăm ngàn người trong chúng ta". Vì vậy, bắt đầu giai đoạn đầu của sự sùng bái nhân cách Mao Trạch Đông do Giang Thanh, Lâm Bưu và những kẻ cùng phe điều hành.

Ngày 25 tháng 5, một giảng viên triết học tại Đại học Bắc Kinh tên là Nhiếp Nguyên Tử (聂元梓) đã viết một tấm áp phích lớn và dán ở bảng tin công cộng. Nhiếp công kích giới lãnh đạo Đảng trong trường và các quan chức của Đảng ở Bắc Kinh là "bọn côn đồ đen tối chống lại Đảng", ngụ ý rằng có các thế lực đen tối trong Chính phủ và các trường đại học đang cố gắng ngăn chặn tiến trình cách mạng. Vài ngày sau đó, Mao ra lệnh phổ biến những lời của Nhiếp ra khắp nước và gọi đó là "tấm áp phích lớn tuyên truyền cho Chủ nghĩa Mác đầu tiên ở Trung Quốc". Ngày 29 tháng 5, tại trường trung học thuộc Đại học Thanh Hoa, đơn vị Hồng vệ binh đầu tiên được thành lập. Mục đích của đơn vị này là trừng phạt và cô lập cả giới trí thức lẫn những kẻ thù chính trị của Mao.

Ngày 1 tháng 6 năm 1966, tờ Nhân dân Nhật báo đã phát động một cuộc công kích vào các lực lượng phản động trong giới trí thức. Sau đó, giới chủ tịch các trường đại học và những người trí thức nổi tiếng khác bị truy tố. Ngày 28 tháng 7 năm 1966, đại diện Hồng vệ binh đã viết thư cho Mao nói rằng các cuộc thanh trừng trên diện rộng và tất cả những sự kiện chính trị-xã hội có liên quan đều được thực hiện chính xác và công minh. Mao đáp lại với sự ủng hộ toàn diện của mình bằng tấm áp phích lớn tựa đề "Oanh tạc các trụ sở" (tiếng Trung: 炮打司令部——我的一张大字报). Mao viết rằng, bất chấp cuộc Cách mạng vô sản đã được tiến hành, giai cấp thống trị vẫn bị thâu tóm bởi các thành phần tư sản, các nhà tư bản và những người theo chủ nghĩa xét lại, và rằng các thành phần phản cách mạng này vẫn còn tồn tại, thậm chí ngay trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Điều này thực ra là một cuộc khẩu chiến chống lại Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và những người cùng phe với họ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đại Cách mạng Văn hóa vô sản http://cpc.people.com.cn/GB/64162/64168/64563/6544... http://www.britannica.com/eb/article-9028164/Cultu... http://www.britannica.com/event/Cultural-Revolutio... http://users.erols.com/mwhite28/warstat1.htm#Mao http://translate.google.com/?hl=en&sl=es&tl=en&sug... http://www.nytimes.com/1993/01/06/world/a-tale-of-... http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/artic... http://www.taz.de/50-Jahre-Kulturrevolution-in-Chi... http://www.odu.edu/ao/instadv/quest/LinBiao.html http://www-chaos.umd.edu/history/prc2.html